Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2005

Người chế tạo súng chống tăng giữa rừng sác

TTCN - Trong kháng chiến chống Pháp, ở hai đầu đất nước, khi kỹ sư Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, chế tạo thành công bazooka giữa rừng già Bắc Cạn, Tuyên Quang, thì kỹ sư Lê Tâm nghiên cứu, chế tạo thành công SS trong rừng sác Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hai loại súng ấy đều bắn đạn lõm, loại đạn có thể nâng độ nóng lên tới 3.000oC, dễ dàng xuyên thủng vỏ xe tăng, xe bọc thép, tàu thủy như chiếc đũa chọc thủng... cục bơ!
Kỹ sư Lê Tâm năm nay đã 84 tuổi, tóc bạc như tơ.
Ông tên thật là Nguyễn Hy Hiền, do cụ thân sinh của ông - một bậc đại nho - đặt cho nhằm gửi gắm niềm mong ước của người cha vào cậu con trai của mình từ câu danh ngôn thuở trước: Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên. Có nghĩa: kẻ sĩ học với hi vọng trở thành người hiền, người hiền hi vọng trở thành thánh nhân, còn bậc thánh nhân thì hi vọng đạt tới mức anh minh, khoan thứ như lồng lộng trời cao!
Ông sinh năm 1921 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một vùng quê đã đi vào thơ Tố Hữu: Như quê bạn, Niêm Phò trơ trụi/ Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm giáo sư Nguyễn Xiển tại nhà riêng (người đứng giữa là kỹ sư Lê Tâm, con rể GS Nguyễn Xiển)
Thân phụ của Nguyễn Hy Hiền là cụ phó bảng Nguyễn Văn Mại, nổi tiếng là một trong “ngũ bá”, tức năm vị túc nho hay chữ nhất nước Nam thời ấy.
Từ nhỏ, Nguyễn Hy Hiền đã học rất giỏi. Năm 1939, ông đỗ đầu tú tài Tây, cả ban toán lẫn ban triết ở Huế. Lúc bấy giờ Hội Như Tây du học (một tổ chức khuyến học của Nam triều) mỗi năm cấp một suất học bổng cho học sinh nào xuất sắc nhất trong cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam. Nguyễn Hy Hiền được nhận suất học bổng đó.
Ông rời Sài Gòn sang Pháp du học trên một chuyến tàu thủy, lênh đênh hàng tháng trời qua Ân Độ Dương, Hồng Hải, Địa Trung Hải.
Sau khi bổ túc kiến thức tại Trường Saint-Louis, Nguyễn Hy Hiền thi đỗ vào Trường Quốc gia cầu - đường.
Một số loại SS được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 7 TP.HCM
Đêm 19-12-1946, chiếc tàu thủy chở kỹ sư Hiền ghé cảng Singapore, đúng vào lúc trong nước kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 23-12, tàu cập bến Sài Gòn. Ông đến ngay nhà bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, lúc đó đang công khai giữ chức giám đốc Viện Pasteur, đưa tận tay thư giới thiệu của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau.
Một tháng sau, nhận được hồi âm từ chiến khu, KS Hiền thay đồ Tây mặc bộ bà ba đen, lên một chiếc xe thổ mộ lóc cóc chạy về phía Củ Chi. Đến một chỗ vắng ở vùng ven đô, ông xuống xe, lặng lẽ len lỏi qua đồn bót Pháp, rồi được một chú bé liên lạc đón, đưa ra chiến khu.
KS Nguyễn Hy Hiền được giao phụ trách ngành quân giới. Năm 1949, ông là một trong bảy sĩ quan đầu tiên ở Nam bộ được phong quân hàm đại tá.
- Tôi phải đổi cả họ tên thành Lê Tâm - ông kể - bởi vì nếu cứ để nguyên họ tên khai sinh thì sẽ liên lụy đến mấy trăm con người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang sống trong vùng bị địch tạm chiếm.
Chiến trường Nam bộ không có nơi nào địa hình hiểm trở để có thể xây dựng thành An toàn khu (ATK). Các xưởng quân giới phải chuyển chỗ luôn, lúc đóng ở Đồng Tháp Mười, lúc dọn đến chiến khu Đ, lúc lui về khu rừng ngập mặn Bà Rịa - Vũng Tàu. Giặc tràn vào rừng, ta chôn máy xuống đất. Giặc rút lui, ta đào máy lên! Nhưng những xưởng quân giới lớn vẫn được xây dựng, như xưởng của Bộ Tư lệnh Nam bộ có gần 1.000 người. Lực lượng quân giới Nam bộ đông tới 8.000 người. Trong rừng sác lầy lội đầy muỗi, vắt, súng cối, bộc lôi, địa lôi, đạn súng trường, súng lục, cả SS... đã ra đời.
KS Lê Tâm đã nghĩ tới một loại súng có sức công phá bằng cỗ đại bác nặng hàng tấn thép, nhưng chỉ nhẹ khoảng 5-10kg, nòng súng làm bằng ống thép đầu máy xe lửa trông tựa như điếu cày, có thể vác trên vai. Công việc đầu tiên là phải tự chế tạo được đạn lõm. Khi bị kích nổ, đạn lõm tập trung năng lượng vào một luồng, đủ tạo ra sức nóng tới 3.000o C, áp suất hàng trăm átmốtphe, chọc thủng được vỏ thép xe tăng. Đầu viên đạn lõm to hơn nòng súng, nằm ngoài, chỉ có chuôi đạn nằm trong nòng. Thuốc đẩy viên đạn bay ra phía trước và cùng lúc đẩy khối lùi (có thể tiện bằng gỗ) bay lại phía sau, do đó triệt tiêu lực giật. KS Lê Tâm đặt tên cho loại vũ khí mới này là SS, nghĩa là súng rừng sác.
- Ta chỉ mới đem SS ra chống càn mấy trận Tây đã hoảng hồn, không còn dám hung hăng như trước nữa! - KS Lê Tâm nói.
Năm 1952, KS Lê Tâm được điều động ra Việt Bắc. Ông cuốc bộ một mạch suốt sáu tháng rưỡi, dọc theo dãy Trường Sơn.
Tại Việt Bắc, ông tham gia chỉ đạo mở đường rộng 8m để có thể tiếp nhận vũ khí hạng nặng từ Trung Quốc, chuẩn bị cho trận quyết chiến ở vùng lòng chảo Điện Biên Phủ. Ông được giao phụ trách bạt đèo Tam Canh, một trong những đoạn đường đèo khó nhất.
Hòa bình trở lại trên nửa nước, ông về Hà Nội giữ chức phó cục trưởng Cục Kỹ thuật đường sắt, tham gia chỉ đạo phục hồi nhiều tuyến đường sắt, rồi làm chủ nhiệm khoa xây dựng Trường đại học Bách khoa, cục trưởng Cục Đo lường, ủy viên Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và công nghệ), tổng biên tập tạp chí Hoạt Động Khoa Học...
Năm 1996, ông được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình “Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954)” trong đó có vũ khí SS do ông và những người cộng tác sáng chế trong rừng sác Bà Rịa - Vũng Tàu.
HÀM CHÂU