Trò chuyện với tôi về kinh nghiệm trong thực hiện chủ trương trên của Đảng ủy Sư đoàn, Thượng úy Nguyễn Văn Hoan, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5 cho rằng: Để đáp ứng được yêu cầu trên, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên rèn luyện, rút kinh nghiệm, tìm hiểu tài liệu, bổ sung kiến thức. Đặc biệt, cán bộ trực tiếp giảng dạy phải nắm vững đối tượng, tâm lý và nhu cầu nhận thức của bộ đội để xác định phương pháp lên lớp. Giảng hỏi đáp thì người dạy cần nêu ra các câu hỏi cụ thể. Nội dung đặt câu hỏi phải ngắn, gọn thì người học mới dễ trả lời, dễ thuộc, dễ nhớ. Đối với bộ đội, cần hết sức chú ý đến những câu hỏi mang tính trừu tượng cao, thiếu thực tiễn…
Nói về hiệu quả của việc thay đổi phương pháp chuẩn bị bài giảng và quá trình lên lớp của đội ngũ cán bộ tại đơn vị, Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Lê Thanh Thái, bộc bạch: “Bài giảng theo dạng hỏi đáp, kết hợp với việc sử dụng các thiết bị trình chiếu, có mô hình, tranh ảnh sinh động, rõ ràng từng vấn đề, từng ý, nên thực sự lôi cuốn, thu hút được người học. Vì vậy, chúng tôi không chỉ nắm được nội dung cơ bản ngay tại lớp, mà còn rất hứng thú trong học tập”.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương nêu trên, công tác giáo dục chính trị cho bộ đội thời gian qua còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức ở đơn vị, với nhiều hình thức sinh động, linh hoạt. Ví như, chỉ huy các cấp trong toàn Sư đoàn luôn coi trọng việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình quân nhân để giáo dục chính trị; kết hợp giữa giáo dục với bảo đảm tốt đời sống vật chất tinh thần,cho cán bộ chiến sĩ, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Duy Hiển