Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Giai điệu miền Đông


QĐND - Hầu hết những người đến xem Hội diễn nghệ thuật LLVT và học sinh, sinh viên của Quân khu 7 năm 2010 đều có chung  nhận xét: “Bộ đội hát hay, múa giỏi”. Còn Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, thành viên trong Ban giám khảo lại tấm tắc: “Các chiến sĩ Quân khu 7 múa hát chẳng kém diễn viên chuyên nghiệp là bao”. Chủ đề các tiết mục tham gia hội diễn chạy dọc theo thời gian của 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành  LLVT Quân khu, nổi bật truyền thống: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”.
Gần 1000 diễn viên không chuyên, nhạc công của 33 đội nghệ thuật quần chúng (trong đó có 4 đội của các trường đại học) khiến cho Nhà Văn hóa Quân khu 7 tràn ngập những sắc màu. Những cô gái K’Ho đến từ cao nguyên Lâm Đồng; những chàng trai người Chăm đến từ xứ sở của cây thanh long (Bình Thuận); những nhịp chày của người S’Tiêng mang về từ Sóc Bom Bo (Bình Phước); những cô du kích ngược lên từ mảnh đất Long An trung dũng kiên cường; những dân quân đến từ phố biển Vũng Tàu, cùng cán bộ, chiến sĩ trên mảnh đất “Hào khí Đồng Nai”; các chiến sĩ vùng núi Bà Đen (Tây Ninh)  và cả những chàng trai, cô gái của Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ… đã tạo nên sự phong phú về thể loại, sinh động về hình thức và sâu sắc về nội dung.
Múa “Vui ngày hội” của LLVT  Bình Thuận
Hội diễn có khá nhiều tiểu phẩm. Qua các tiểu phẩm, hình ảnh người chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, trong tăng gia sản xuất và rèn luyện kỷ luật… được khắc họa rõ nét và sinh động. Tiêu biểu là các tiểu phẩm “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” của Đoàn BB5, “Đâu có giặc là ta cứ đi” của LLVT Long An, “Nhớ người đưa đò” của Công ty Tây Nam, “Người mẹ miền Đông” của Cục Kỹ thuật, “Nữ dân quân hai giỏi” của LLVT Bình Dương, “Đồng đội” của Công ty Đông Hải. Hội diễn ghi nhận nhiều tác phẩm tự biên khá công phu, độc đáo được trao giải thưởng như: “Người lính thời bình” của tác giả Đình Nam (Bộ CHQS Lâm Đồng), “Chuyện một ca gác đêm” của Nguyễn Thanh Thới (Bộ CHQS Tây Ninh), “Chuyện nhỏ đơn vị tôi” của Lê Bảo Quốc (Bộ CHQS Thành phố Hồ Chí Minh), “Qua sông” của Thành Nghị (Đoàn Công binh 25)...
Hội diễn cũng đắm say với một “đặc sản” của mảnh đất Nam Bộ đó là ca cổ. Những giai điệu, lời ca dào dạt thương nhớ, mơ ước, khát vọng và phấn đấu đi lên. Xen lẫn những câu hò, điệu lý của vùng đất Nam Bộ, là hừng hực một Tây Nguyên đầy nắng, đầy gió từ tiếng cồng chiêng của đại ngàn qua tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Hát mừng Anh hùng Núp”, hay bài “Sềm Kring” của tác giả Kpă Făn Đích (LLVT Lâm Đồng). Cùng với đó là những điệu múa Chăm rộn rã, uyển chuyển đưa mọi người về với vùng đất “gốm sứ” với tác phẩm “Pô Sha Nư huyền thoại”, múa “Vui ngày hội” của đội Bình Thuận.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Kim Quy-Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, thành viên  Ban giám khảo nhận xét: “Việc dàn dựng các chương trình khá công phu, với các màn múa phụ họa độc đáo cho thấy phong trào văn hóa văn nghệ ở Quân khu 7 đang được quan tâm và đầu tư rất tốt”.
Một hội diễn thành công của LLVT Quân khu 7 đã khép lại nhưng âm hưởng của nó thì còn vang xa, lắng đọng trong tâm trí người xem. Đúng như đánh giá của Đại tá Phùng Thế Vinh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7: “Người chiến sĩ miền Đông Nam Bộ không chỉ huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, mà còn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú”.
Bài và ảnh: Lê Phi Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét